Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A Mat-thêu 3,1-12.

CHIA SẺ TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A
Mat-thêu 3,1-12.
2013-2014

Các bạn Sinh viên thân mến,
Con đường Phạm Văn Đồng vừa mới khánh thành gần đây, nối dài từ vòng xoay công viên Gia Định đến cầu Bình Lợi, được kể như một trong những đoạn đường đẹp của Sài gòn hiện nay. Để có thể thông thương đoạn đường hơn 4,5 km, sở giao thông đã phải mất hơn 3 năm thực hiện. Trong khi đó, vòng xoay nối kết các tuyến đường quanh công viên Gia Định thì chỉ mất hơn một tuần thi công. Một ví dụ nữa là, trong bộ phim “Trăm năm Hư Vân Lão Hòa Thượng”, nhân vật hòa thượng khùng –  người không biết tụng kinh, tham thiền, niệm Phật; mà chỉ biết mỗi việc làm đường - đã phải mất 31 năm lẻ 83 ngày kiên nhẫn để mở con đường dẫn lên đỉnh núi Kê Túc.
Đưa ra hai hình ảnh về con đường như thế, tôi muốn nhấn mạnh với các bạn về một “Con đường hối cải” mà Tin mừng Chúa nhật II mùa Vọng hôm nay đề cập tới.
Quả thật, lời kêu gọi của ông Gioan Tẩy Giả : “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần”, được thánh sử Mat-thêu cẩn thận nhắc lại “Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới : Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”, giúp chúng ta hiểu rằng việc dọn đường sửa lối chính là việc hối cải. Chính Gioan đã đi bước trước trong việc hối cải khi tự nguyện sống trong hoang địa, ăn châu chấu và uống mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú. Chắc hẳn sẽ có bạn đang thầm nghĩ sao mà ông Gioan chơi toàn đồ hiệu (áo lông thú, thắt lưng da chính gốc), ăn toàn đặc sản (châu chấu, mật ong rừng)?! Quả thật, với chúng ta ngày ngay, thì những thứ này là đặc sản, là hàng hiệu. Nhưng vào thế kỷ diễn ra bối cảnh của bài Tin mừng, thì lối ăn mặc và cách sống của Gioan cho thấy ông là một người nghèo triệt để, và là dấu hiệu chứng tỏ ông là người có sứ mệnh ngôn sứ.
Thông điệp của Gioan mời gọi đã được nói đến trong thời Cựu Ước, khi ngôn sứ I-sai-a tiên báo về hình ảnh tiếng người hô trong hoang địa. Vì thế có thể so sánh hình ảnh Gioan như là vị hòa thượng chỉ biết làm đường trong bộ phim nhắc đến ở trên. Vị hòa thượng đó làm đường ròng rã trong hơn 31 năm, nhưng khi hoàn tất lại không xênh xang kể công với người đời, mà lại vui cười bỏ lại thành quả của mình, rút lui vào bóng tối để cho Hư Vân Lão Hòa Thượng được thuận lợi giảng dạy Phật pháp. Ông Gioan cũng dọn đường để Chúa đến bằng cách mời gọi mọi người hối cải, chuẩn bị tâm hồn mọi người đón nhận Đấng Mê-si-a bằng việc dìm họ trong dòng nước sông Gio-đan. Ông cho họ cảm nghiệm phép rửa bằng nước; để khi Chúa đến, họ sẽ được chính Chúa làm phép rửa bằng Thánh Thần và lửa. Gio-an đã khiêm tốn thừa nhận : “Đấng đến sau tôi có quyền năng hơn tôi, và tôi không đáng xách giày Người”.
Đọc tiếp Tin mừng chúng ta thấy, dù thông điệp được gởi đến cho tất cả mọi người, nhưng Gioan không chấp nhận thái độ “hối cải” nửa vời của những người phái Pha-ri-sêu và Xa-đốc. Hai phái này đã bị ông Gioan nặng lời gọi là “nòi rắn độc” vì thái độ hống hách, cậy dựa vào gốc gác là “tổ phụ Áp-ra-ham”. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng, việc hối cải là tự sức mình, chứ không ai có thể làm thay thế. Đừng vọng tưởng, ỷ lại : “nhà mặt phố, bố làm to” để rồi phớt lờ những quy tắc, luật lệ, yêu cầu của việc “hối cải”. Nhìn thực tế xã hội hiện nay, giao thông Việt Nam lộn xộn, không thể vãn hồi trật tự, một phần lớn cũng là vì những cậu ấm, cô chiêu - con anh Ba, cháu anh Tư … có gốc, có gác bự, không sử dụng những con đường rộng mới vào việc an toàn giao thong. Nhưng ngược lại, các cậu ấm cô chiêu đó lại biến những con đường đó thành thiên đàng cho các quý tử đọ xế, đua xe, khoe mẽ…
Tương lai hy vọng ở bên kia sứ điệp mà Gioan loan báo, là một khung trời hạnh phúc – được I-sai-a trong bài đọc một nói tới. Đó là một xã hội hòa thuận, nơi mà sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào… Thật là một cảnh tượng thật đẹp phải không các bạn? Sở dĩ có được cảnh thái bình, an lạc đó là do Thần Linh Thiên Chúa ngự trị. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng trao ban thần khí và nguồn tác sinh sự sống,  Người sẽ lấy lòng chính trực mà bênh đỡ người hiền lành, minh oan cho người bị xử án bất công, trừng trị kẻ gian ác. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa, như nước tràn đầy đại dương. Chính Thánh Thần, là nước và là lửa… sẽ thanh tẩy những tội nhân sám hối, giúp họ hoán cải.
Lời mời gọi của Gioan đã đến hơn 2000 năm rồi. Bao nhiêu lần chúng ta nghe đọc bài Tin mừng này nhưng vẫn chưa thực sự hoán cải, chưa thực sự dọn đường cho Chúa đến. Phải chăng, đó là do chúng ta bỏ quên lời dạy của thánh Phao-lô, “những gì (Kinh Thánh) đã viết ra là có ý để giáo huấn chúng ta, hầu nhờ Thánh Kinh thêm sức và an ủi, chúng ta được cậy trông. Xin Thiên Chúa, nguồn kiên tâm và an ủi, ban cho anh em biết thông cảm với nhau theo gương Chúa Giêsu Kitô, để anh em đồng thanh tôn vinh Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”. Thực hiện được như thế là chúng ta đang làm cho Nước Trời trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Nước Trời đã đến gần. Nước Trời ấy có dành cho tôi và các bạn hay không còn tùy thuộc vào tầm nhìn, thái độ, và quyết tâm của chúng ta.
Ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore. đã nói rằng: Người Việt giỏi và thông minh hàng đầu Đông Nam Á, đáng lẽ họ phải là nước giàu mạnh từ lâu rồi, nhưng lãnh đạo của họ bị kìm kẹp trong ý thức hệ xưa cũ (…) và những người hiện là lãnh đạo chỉ nhờ (đã) giỏi đánh nhau (trong chiến tranh) nên đất nước không lên được. Bao giờ lớp người này về hưu hết, thế hệ trẻ giỏi giang sẽ lên, Việt Nam sẽ phát triển. Nhưng buồn thay, trong thực tế, một số bộ phận giới trẻ không nhỏ trong xã hội hiện nay không cố gắng phấn đấu, tự thân vận động, mà chỉ cần hai điều: được cha ông mình dọn chỗ cho và diệt tất cả những người khác giỏi và tốt hơn họ, để giữ chỗ.
Nhận xét của ông Lý Quang Diệu có thể chỉ đúng ở ngoài xã hội. Còn đối với việc dọn đường cho Chúa đến, và tìm kiếm đường đi đến Nước Trời phải do chính chúng ta thực hiện. Không ai có thể dọn đường thay cho chúng ta được. Việc dọn đường hoán cải, nếu muốn, chúng ta có thể quyết tâm làm và làm được ngay trong vòng một tuần, thậm chí trong 2 ngày (Vũng Chùa – nơi an tang đại tướng Võ Nguyên Giáp), còn nếu không muốn, thì không phải 3 năm hay 31 năm, mà có thể cả đời chúng ta cũng sẽ không dọn được kilômet nào, chứ đừng nói đến 2 hay 4,5 km.

Lạy Chúa, xin ban ơn thêm sức để chúng con biết sám hối, hoán cải và dọn đường cho Chúa ngự đến trong cuộc đời mỗi người chúng con. Xin Chúa cho mỗi người trẻ chúng con, những sinh viên đang tìm kiếm cho mình một con đường đi đến tương lai … biết ưu tiên, và đặt Chúa làm trọng tâm, làm lý tưởng của chúng con. Để giữa muôn vạn nẻo đường gai chông, cám dỗ hiện nay, chúng con biết tín thác vào Chúa và quyết tâm với lựa chọn bước theo “Con đường Giêsu”.

22.10.2013
Vũ Hải Bằng, OP.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Tâm tình Tận Hiến

1. Ngày con ra đi theo lời Chúa gọi thầm thì/
hồn thơ dâng hiến trao trọn cuộc đời viện tu /
Tình yêu đôi lứa xin được thay bằng Giêsu. /
Thiết tha xin Ngài thương tình che chở con thơ. /
Từ đây đoan hứa xin được trung thành cùng Cha;
Lòng con cương quyết giữ mãi lời nguyền chẳng thay.
Nguyện xin sống chết luôn được bên Ngài mà thôi;
chắp tay nguyện cầu cho hồn in bóng hình Cha.
Giêsu – xin hãy mau thương tình/
tuôn đổ hồng phúc ,dạt dào trên xác hồn thơ.

Giêsu – xin hãy thương con nhiều,
gìn giữ con mãi trinh trong sáng tựa ánh sao.
Từ đây con đã theo Thầy với đời tròn dâng.
Mặc bao sóng gió trên đường luôn hứa Xin vâng.
Nguyện xin ơn thánh nâng đỡ giúp tình thuỷ chung,
Mắt môi nguyện cầu lệ trào bật tiếng tình Cha.


2. Mẹ cha sinh ra bao ngày vất vả dưỡng nuôi,
nào ai đong đếm công lao sinh thành chở che?
Cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho Thầy- Mẹ con;
Đã hy sinh nhiều cho con tận hiến – vì yêu.
Ngồi đây con nhớ những ngày thơ dại thuở xưa,
Hạnh phúc êm ấm vui đùa những chiều trời mưa;
Nhiều đêm nước mắt lưng tròng nhớ Thầy Mẹ em,
Ước chi quê nhà sẽ được Chúa đáp đền thay.

Công cha như núi cao xa muôn đời,
Uy hùng kiên vững – lòng mẹ suối thác trào tuôn.
Hôm nay, con chắp tay nguyện cầu
Cầu xin Thiên Chúa yêu thương giữ gìn giúp con.
Làm sao báo đáp công thầy, nghĩa mẹ, tình Cha
Từ đây cuộc sống cho dù ngăn trở, cách xa.
Dù con chẳng có chi là để gọi đền ơn,
Tiếng kinh mỗi chiều con nguyện dâng Chúa tình yêu.
(Hứa luôn song hành ở cùng phụ mẫu hằng giây)

TP - 1995

Cảm Nghiệm Hồng An

“Dù con đi giữa trăm sông nghìn biển
Nước mắt nụ cười có Chúa dẫn đưa
Chiều hôm nay, hay một sớm xa xưa
Tim con cháy HỒNG ÂN Ngài muôn thuở !

HỒNG ÂN! 
Hai chữ thật bình dị nhưng rất đỗi trang trọng và thân thương. 
Không biết từ thuở nào, hồng ân đã đi vào trong tâm tư và tình cảm mỗi người tu sĩ chúng ta, để rồi trong hân hoan của niềm vui dâng trao, cũng như khi thử thách cam go, gánh nặng trong cuộc đời- chúng ta đều nghĩ đến hai chữ “Hồng ân” !
Vâng, quả thật “tất cả đều là hồng ân” ! Hai tay con nhỏ bé, nhưng cứ muốn giang ra đón nhận mãi, vì bao nhiêu cũng không vừa. Tình yêu Thiên Chúa thì bao la hải hà, lòng thương mến của Ngài như mạch suối ngầm luôn trào dâng, luôn réo rắt khúc nhạc thông ban, cho đi- dường như nắm được tâm lý của Thiên Chúa là “nghiền” trao ban - vì Ngài đã không từ một thứ gì có thể để trao ban hết cho loài người, cho những người nhận Ngài làm nguồn hạnh phúc và cùng đích đời mình, đến ngay như Con Một của Ngài là Thầy, là Anh, là Bạn, là Lẽ sống- của chúng ta là Đức Giêsu Kitô mà Ngài cũng trao ban; vì thế mà tu sĩ chúng ta có một cái tội vừa dễ thương, mà cũng dễ ghét, đó là luôn nhõng nhẽo, vòi vĩnh những hồng ân từ Thiên Chúa.
Điểm lại 25 năm đời tu. 
“Có những phút đầu tiên thiêng liêng quá,
Tưởng chừng như giờ khắc của hư vô
Trí và lòng đương ràng rịt dây tơ
Hoa lá cũng trầm tư không tiếng động?
Bởi miệng lưỡi tiên tri còn rất mỏng
Chẳng thành lời để ca ngợi khong khen
Khói trầm lên, đây là khói trầm lên
Hương thánh thiện của một mùa nhân đức !”  
25 năm, Tưởng chừng như cái ngày bước lên cùng chị em tuyên khấn mới chỉ như hôm qua, thế mà quay lại đã “nửa chừng xuân”. 
Mới hôm nào, cùng chị em chúng bạn khép nép rụt rè bên ngưỡng cửa Nhà Mẹ Bắc Ninh, nay nhìn lại, thì mớt chợt giật mình nghĩ đến kẻ đi- người ở, kẻ đông- người tây, kẻ gầy-người béo. 
Nhưng tất cả rồi cũng sẽ qua đi hết, bao nhiêu vui buồn trong quá khứ cũng đành “gởi gió cho mây ngàn bay”, để rồi hôm nay đây, trong dịp tĩnh tâm ôn lại chặng đường 25 năm đã qua, chúng ta mới thấy nghẹn ngào cảm nghiệm tình yêu thương bao la của Bạn Tình Chí Thánh, Đức Giêsu Kitô - Người Tình Thượng Đế của chúng ta, là tồn tại mãi. Quả là: “Tout pass, tous pass, eternel en Son Amour!” Tấ cả rồi sẽ qua đi hết, chỉ còn Tình yêu của Người là tồn tại mãi.
Mới hôm nào, những cô bé tinh nghịch còn hát nghêu ngao chòng ghẹo các chị lớn khi hát vang khúc ca: “Ngày hạnh phúc Chúa ơi, cuộc giao duyên đất trời, đưa con vào tình sử để hiến dâng cho Ngài”. Vậy mà thời gian thấm thoát thoi đưa, cuốn trôi đi mãi- không chừa một ai. Tất cả chúng ta hôm nay đều là những “Ma soeur” ngoan hiền của Chúa Giêsu, dẫu rằng đôi lúc chữ hiền này bị đặt nằm trong dấu ngoặc kép theo nghĩa hiểu của Phạm Duy “Em hiền như ma soeur”, nhưng tất cả chúng ta đều nghiệm thấy bao nhiêu yêu thương chất chứa trong tiếng gọi thân thương ấy, biết bao hồng ân Chúa dành để, tặng trao cho những ai tự ý , tự nguyện, tự tình trở nên “cô em” (ma soeur) bé nhỏ của Người. 
Nhìn lại thì thấy giản đơn như vậy, nhưng “chặng đường tận hiến” ai có “qua cầu mới hay”. Để có được hôm nay, chắc hẳn không ai trong chúng ta không trải qua những phút vui buồn, sướng khổ, khi nguồn hứng khởi chứa chan, lúc thì lại bị bao trùm bởi muôn vàn chán chường, thất vọng May mắn thay, hồng ân của Thiên Chúa vẫn luôn ở cùng chúng ta, qua các Chị em đi trước, qua chính những con người chúng ta gặp gỡ tiếp xúc hàng ngày đã chắp cánh, và nâng đỡ cho chúng ta đi qua  quãng đời dương thế. 
Tác giả thánh vịnh đã chẳng nói rồi ư: cuộc đời con người sống trên thế gian này có được bao lăm? “Mạnh giỏi chăng là được 80, mà phần lớn chỉ toàn gian lao khốn khó”. 
Thế vậy mà, nghịch lý lại xảy ra nơi những người dâng mình cho Chúa, tìm niềm vui hạnh phúc của nơi nơi chính những người, những trẻ thơ, những đối tượng mình phục vụ và tiếp xúc Chẳng vậy mà ai cũng nhìn thấy nụ cười luôn nở trên môi những “nữ tu  Mến Thánh Giá”. 
Ai cũng khen các chị em “Mến Thánh Giá” trẻ mãi 
Có lẽ nhờ hồng ân, và tình yêu của Đấng chịu chết và sống lại đã mang đến “hoa Phục sinh” tươi nở trên khuôn mặt những “cô em” của Người (!)
“Ôi mầu nhiệm, biết cơ man nào kỳ diệu
Với ơn Thánh, và đức tin; tôi hiểu
Là trăm năm hay dòn ải, hư hèn
Thế mà Người đã cất nhắc “tên” tôi
Từ chốn bùn nhơ, tro than nguội lạnh…” 
25 năm đã qua đi, giờ đây mới cảm thấy tình yêu Thiên Chúa dành cho mình thật là cao cả và tuyệt vời ngoài sức mong đợi và có thể tưởng tượng… Biết không thể nói hết nỗi lòng đang trào dâng trong những giờ phút này, nên đành bắt chước Đức Maria khi xưa thốt lên ba tiếng “Ecce, Fiat, Magnificat” (Này con đây, Xin vâng, tạ ơn Chúa) để cảm tạ hồng ân bao la của Thiên Chúa đã đoái thương đến thụ tạo nhỏ bé và thấp hèn này- 
“Như lộc nõn ở đầu cành mới nhú
Một mùa xuân, hơn tất cả mùa xuân.
Lạy Chúa Trời, là Đấng rất khoan nhân
Tôi cư ngụ suốt đời trong nhà Chúa,
Dưới đôi cánh Hồng ân, Người che chở
Với tình yêu, ơn cứu độ- Amen” 
Xin được hợp cùng Đức Mẹ và triều thần thánh ca vang bài ca đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa- :”Xin dâng lời cảm tạ, hồng ân Thiên Chúa bao la, xin dâng lời cảm mến, hòa theo tiếng hát dâng lên- Con sẽ ca ngợi, lòng thương xót Chúa, muôn muôn đời !”


( Băng Huyền thay lời muốn nói cho chị ĐD.)
* Trích dẫn thơ: Đình Bảng

Chích Chòe Lửa


Sáng nay Thánh Lễ vừa tan,
Chú chích chòe lửa bay ngang hàng quỳ.
Đuôi dài cong vút mê ly,
Chú cất tiếng hót thầm thì tình ca
Trời xanh bát ngát bao la,
Không bay, lại lượn vào nhà, lạ chưa ?!
Tìm gì ? Hay tại gió mưa ??
Ngoảnh ra vẫn thấy tường thưa lối vào.
Thì ra thật dễ thương sao,
Chim kia cũng muốn vô chào Giêsu !

Phút giây nguyện ngắm đời tu,
Hưởng chút thanh thản, cho dù sẽ nguy...
Ngỡ rằng giờ phút ngắm suy,
Chòe ta tưởng sẽ bay, tùy ước ao ...
Thế là giang cánh cất cao,
Chích chòe trình diễn lộn nhào không trung;
Múa may, bay lượn, vẫy vùng
Góp phần chúc tụng theo cùng “Thầy tu”



Biết đâu kiếp - chậu, lồng – tù
Các thầy xúm lại : hét, hù... chộp chim (!)
Cũng cây, cũng gậy ... đón tìm
Túm ngay chòe lại, đặt im trong lồng.

Thế là thực thực không không,
Cũng xong một kiếp “lửa hồng” thành “than” (!!!)  Từ “Chích chòe lửa” thành “chích chòe THAN” !
Giờ đây chẳng được ngang tàng
Vút cao sải cánh, mơ màng thế gian...
Bù lại chim được bình an
Vuốt ve, vổ béo... trong làn gió hương.
Ngẫm xem... một chút vấn vương...
An bình tự tại – thiên đường nội tâm...
(03/06/03)

NỔI BẬT

LỜI KINH THẮP SÁNG CUỘC ĐỜI

 

PHỔ BIẾN